Hôm qua 15.10,ậplụtdaidẳngởmiềb29 bet khu vực miền Trung có nơi vẫn mưa rất to, có nơi nước rút nhưng tình trạng chung đáng lo ngại là ngập lụt dai dẳng. Đặc biệt, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nguy cơ ngập lụt đô thị đang cần giải pháp mạnh để giải quyết.
Nước rút chậm, chưa thể về nhà
Chiều qua 15.10, dù trời đã ngớt mưa nhưng nhiều vùng trũng thấp tại TP.Đà Nẵng vẫn ngập lụt khiến người dân đi sơ tán trước đó chưa thể quay về nhà. Họ là những người dân ở vùng trũng thấp của P.Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu), được chính quyền tổ chức sơ tán tập trung trong ngày 13 - 14.10 tại trụ sở UBND P.Hòa Khánh Nam, ký túc xá Trường ĐH Sư phạm...
Xem nhanh 12h ngày 16.10: Chân tướng kẻ sát hại á khôi, phi tang dưới sông Hồng | Người Đà Nẵng vật lộn với bùn non
Đường Mẹ Suốt (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) đến hôm qua vẫn còn trong biển nước, lực lượng công an túc trực để hỗ trợ người dân và giăng dây cấm các phương tiện di chuyển. Ông Trần Văn Tranh (trú P.Hòa Khánh Nam) cho biết tại khu dân cư trên đường Mẹ Suốt vẫn ngập sâu, có nơi gần 2 m. "Trời bớt mưa, nước lụt có dấu hiệu đã rút nhưng còn ngập sâu, vì vậy địa phương vẫn khuyến cáo chưa cho người dân trở về nhà vì sợ nguy hiểm", ông Tranh nói.
Tại vùng trũng các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), nước sông Túy Loan dâng cao đã gây ngập lụt diện rộng. QL14G đoạn qua 2 xã này bị ngập mặt đường, lực lượng chức năng đã giăng dây cảnh báo an toàn. Hôm qua, Đà Nẵng cho thông xe qua đèo Hải Vân sau nhiều ngày sạt lở do mưa lớn. Trong khi đó, tại bán đảo Sơn Trà, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục nghiêm cấm người dân lưu thông.
Xem nhanh 20h ngày 15.10: Á khôi bị phân xác ném xuống sông | Người Đà Nẵng vật lộn ngày ngập sâu
Địa bàn Quảng Nam hôm qua có mưa rất to ở nhiều khu vực. Một số vùng trũng thấp ở TP.Tam Kỳ, H.Phú Ninh, H.Duy Xuyên, H.Đại Lộc… nước dâng cao, ngập sâu gây chia cắt. Lực lượng chức năng đã cắm biển, giăng dây cảnh báo và cử người chốt trực, không cho xe cộ đi qua vùng ngập. Giao thông ách tắc ở vùng cao như Đông Giang (QL14G bị ngập sâu tại ngầm sông Vàng và ngầm dốc Rùa).
Ông Mạc Như Phương, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho biết tuyến đường ĐT606 bị sạt lở taluy dương tại địa bàn xã Lăng - Tr'hy; một số tuyến đường liên xã, liên thôn sạt lở. Địa phương sơ tán 5 hộ dân trong khu vực nguy cơ sạt lở cao.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho biết huyện đã lên phương án ứng phó sạt lở cụ thể. "Từ các xã, các chi bộ, thôn trưởng… đã sẵn sàng ứng phó 24/24. Trước mắt, tuyệt đối cấm người dân qua lại các sông suối, tránh nguy cơ bị lũ cuốn. Nếu vẫn tiếp tục mưa lớn thì sẽ sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm", ông Dũng nói. Một số tuyến đường ở khu vực đồng bằng như QL14H, QL14E, ĐT615 cũng bị ngập ở vài điểm, gây tắc nghẽn lưu thông.
Sáng qua, hàng chục người dân ở TP.Huế, H.Phong Điền, TX.Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) đã quay trở về nhà sau khi phải cấp tốc sơ tán. Người dân ở một số địa phương khác (A Lưới, Phú Lộc) vẫn đang sơ tán.
Tại Quảng Trị, mưa giảm, hầu hết vùng trũng thấp đang rút nước chậm. Hôm qua 15.10, PV Thanh Niêncó mặt tại xã Hải Phong (H.Hải Lăng, Quảng Trị) ghi nhận một số nhà dân, vườn tược sát bên sông Ô Lâu vẫn còn ngập; riêng vùng càng Hạ Điền (xã Hải Phong) ngập nặng, người dân phải di chuyển chủ yếu bằng đò.
Tại Quảng Bình, mưa lớn những ngày qua đã chia cắt giao thông, cô lập 20 thôn bản khu vực biên giới. Hiện nước lũ trên các khe suối dần rút, chính quyền địa phương đã vận chuyển lương thực vào các bản làng, kịp thời hỗ trợ nhân dân sẵn sàng ứng phó đợt mưa sắp tới. Mưa lớn, nước dâng cũng làm sạt lở 30 m kè chống xói lở sát nhà thờ Xuân Hải, xã Quảng Phú (H.Quảng Trạch). Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng phòng chống bão lũ và người dân gia cố tạm thời bằng bao cát.
THỦY ĐIỆN ĐIỀU TIẾT XẢ LŨ
Tại Quảng Nam, các hồ thủy lợi, thủy điện đã tích đầy nước. Lúc 16 giờ ngày 15.10, tại thủy điện Đak Mi 4 có mực nước về hồ 285 m3/giây, mực nước xả qua tràn xuống hạ du 3 m3/giây. Thủy điện Sông Tranh 2 có mực nước về hồ 439 m3/giây, mực nước xả qua tràn xuống hạ du 5 m3/giây. Đây là 2 hồ thủy điện điều tiết xả lũ; các hồ còn lại như Sông Bung 4, A Vương thì chưa do đang ở dưới cao trình mực nước đón lũ.
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay, theo dự báo thì vài ngày tới trên địa bàn tỉnh sẽ còn mưa rất to nên buộc các thủy điện phải tính toán xem nước về hồ thủy điện bao nhiêu, khả năng hồ giữ lại và đưa xuống hạ du bao nhiêu để đảm bảo an toàn.
Tại Thừa Thiên - Huế, hồ thủy điện Hương Điền (chảy về hạ du sông Bồ) thuộc các vùng trũng H.Quảng Điền vẫn đang duy trì điều tiết nước qua tràn và turbin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 200 - 400 m3/giây; lưu lượng nước về hồ 545 m3/giây, lưu lượng chạy máy 249 m3/s. Hồ thủy điện A Lưới có lưu lượng nước về hồ 152 m3/giây, lưu lượng về hạ du 109 m3/giây. Các hồ Bình Điền, Tả Trạch mực nước thấp, chưa tràn qua turbin.
Mức độ cảnh báo nguy hiểm do mưa lớn ở miền Trung đã giảm cấp
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Từ chiều 15 - 17.10, ở khu vực từ nam Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50 - 250 mm, có nơi trên 400 mm; riêng khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 250 - 450 mm, có nơi trên 700 mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cấp 3; Thừa Thiên - Huế cấp 2; nam Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định cấp 1.
Như vậy, cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn đã giảm xuống cấp 3 và mưa dịch chuyển tăng dần về phía nam; trong đó, Đà Nẵng giảm 1 cấp, Quảng Ngãi tăng 1 cấp, Thừa Thiên 0 Huế giảm 2 cấp.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, từ 19 giờ ngày 10.10 - 16 giờ ngày 15.10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam có mưa rất to, phổ biến 400 - 600 mm, có nơi trên 1.000 mm. Mưa lũ cũng khiến 2 người tử vong là Thái Phong V. (13 tuổi, trú xã Cẩm Lĩnh, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và 1 nạn nhân khác khi đi đánh cá ở Thừa Thiên - Huế.
Đình Huy